null Đồng Tháp chủ động nhập cuộc để không ở lại phía sau

Chi tiết bài viết Tin tức

Đồng Tháp chủ động nhập cuộc để không ở lại phía sau

ĐTO - Tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo lộ trình cụ thể và tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng Tháp xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, nhiều ngành tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều đối tác trong chuyển đổi số

Ông Đoàn Thanh Bình - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Chuyển đổi số (CĐS) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. CĐS là cơ hội để cho những tổ chức, cá nhân đi sau có thể bắt kịp, thậm chí có thể vượt qua những tổ chức, cá nhân đi trước nhưng chậm đổi mới. Có thể nói, CĐS là một xu thế tất yếu, bắt buộc phải làm, làm càng sớm càng tốt, càng nhanh càng tốt, nơi nào chậm chân trong lộ trình CĐS, nơi đó sẽ đánh mất cơ hội phát triển, nguy cơ tụt hậu là không tránh khỏi...”.

Xác định được tầm quan trọng của việc CĐS, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nghị quyết chuyên đề về CĐS với mong muốn sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, các thành phần trong xã hội. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và lựa chọn 3 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để CĐS là nông nghiệp, giáo dục và y tế (3 ngành này hoàn thành Đề án CĐS). Trong quý I năm 2022, tỉnh đã thiết lập và đưa vào hoạt động Trang thông tin điện từ về CĐS tại địa chỉ https://chuyendoiso.dongthap.gov.vn. Ngày 10/10 được chọn là Ngày CĐS quốc gia. Với quyết tâm thay đổi mạnh mẽ, Đồng Tháp cũng chọn ngày 10/10 làm Ngày CĐS của tỉnh và mong muốn tiến trình CĐS của tỉnh song hành cùng nhịp bước của Quốc gia. Tháng 4/2022, tỉnh khai trương Trung tâm CĐS. Đồng Tháp là địa phương thứ 2 của cả nước (sau Yên Bái) thành lập Trung tâm CĐS. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, nền tảng nhằm cụ thể hóa một cách nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS. Giai đoạn đầu, trung tâm hoạt động theo hình thức trung tâm điều hành thông minh. Giai đoạn tiếp theo, trung tâm thực hiện nhiệm vụ phát triển, vận hành các nền tảng CĐS, đô thị thông minh của tỉnh; hỗ trợ CĐS cho các ngành, địa phương và tăng cường tính năng, tiện ích, phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp (DN). Năm 2022, tỉnh có 18 sở, ngành đăng ký thực hiện 30 mô hình CĐS; các địa phương đăng ký thực hiện 39 mô hình. Tổng cộng có 69 mô hình được đăng ký, nhưng một số đơn vị đăng ký mô hình giống nhau, chỉ khác phạm vi triển khai nên xét về tính chất năm qua tỉnh có 49 mô hình CĐS tiêu biểu...

Tất cả các chủ trương, chính sách của tỉnh Đồng Tháp về CĐS đều nhất quán quan điểm: chính quyền số đóng vai trò dẫn dắt và quản lý quá trình CĐS, tạo nền móng cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số; kinh tế số là mũi nhọn và xã hội số là trọng tâm trong lộ trình CĐS.

Thời gian qua, chính quyền đã đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong việc thực hiện thủ tục hành chính; thiết lập các kênh thông tin trên môi trường số để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu những góp ý, hiến kế của người dân, DN để phục vụ ngày càng tốt hơn; hỗ trợ các hợp tác xã, hộ gia đình tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; sử dụng công nghệ IoT để dự báo tình hình dịch bệnh cho cây trồng; thí điểm triển khai 12 Tổ Công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân biết sử dụng, khai thác những tiện ích do công nghệ số mang lại như: khai thác thông tin trên mạng internet; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phản ánh, kiến nghị thông qua ứng dụng e-Dongthap và Tổng đài 1022; kết nối, giao tiếp với người thân, đối tác qua mạng xã hội; mua bán hàng trên mạng; thanh toán không dùng tiền mặt... nhằm từng bước hình thành “công dân số” không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở khu vực nông thôn của tỉnh... Tỉnh tiếp tục triển khai các dịch vụ an sinh xã hội qua môi trường mạng như: hồ sơ sức khỏe điện tử, học bạ điện tử, khám bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến, giám sát an ninh trật tự, hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh... nhằm giúp người dân khu vực nông thôn, người có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể được thụ hưởng những dịch vụ hiện đại về y tế, giáo dục và những phúc lợi xã hội khác

Viên chức Trung tâm chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp giám sát, vận hành hệ thống điều hành thông minh (IOC)

Giá trị cốt lõi của CĐS trong nông nghiệp hiện nay là đưa được những giải pháp công nghệ đột phá dựa trên nền công nghệ số đến người sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn. Nền tảng CĐS ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp được nghiên cứu và phát triển dựa trên nhu cầu thực tế của tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp - áp dụng các công nghệ kĩ thuật số vào quy trình quản lý, hỗ trợ sản xuất trong nông nghiệp... Ngoài hợp tác trong CĐS ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh đã phối hợp Công ty Cổ Phần RYNAN Technologies Vietnam cho ra mắt nền tảng CĐS ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, thực hiện gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý; số hóa quy trình xử lý (báo cáo, lưu trữ) dữ liệu thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh (thiết bị di động, máy tính...) từ cập xã lên cấp huyện, cấp huyện lên cấp tỉnh; nền tảng nông nghiệp số trực quan hóa dữ liệu báo cáo của các lĩnh vực dưới dạng biểu đồ, bản đồ, hình ảnh nền tảng hỗ trợ quản lý dữ liệu sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc thuộc phân hệ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; ứng dụng công nghệ số vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong việc thiết lập, giám sát. Giai đoạn 2, tự động thu thập, xử lý, thống kê số liệu tiến độ sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ diễn thám; thông qua thiết bị giám sát IoT thống kê tự động dữ liệu dịch hại trên cây trồng, chỉ tiêu chất lượng nước; ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo AI – Artficial Intelligence – dự báo, cảnh báo thiên tai, dịch hại ảnh hưởng đến quá trình sản xuất; cung cấp công cụ tìm kiếm giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận vùng nguyên liệu, hợp tác xã. Giai đoạn 3, kết hợp công nghệ GIS cùng với giải thuật trí tuệ nhân tạo dự báo sản lượng cây trồng, vật nuôi và thủy sản nhằm chủ động thị trường tiêu thụ, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng nông sản; đồng bộ, thống nhất dữ liệu từ tuyến Trung ương đến địa phương, đồng thời khai thác sử dụng dữ liệu nông nghiệp số của các tỉnh bạn tạo thành nền tảng nông nghiệp số quốc gia; từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số kết nối, chia sẻ, tích hợp với hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Tại hội nghị công bố Ngày CĐS và Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp (ngày 10/10/2022), Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng, mang tính quyết định của Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp là nâng cao nhận thức về CĐS; đẩy nhanh tiến trình CĐS để tháo gỡ các điểm nghẽn về vị trí địa lý, về hạ tầng giao thông, giúp mọi người bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tri thức, giúp DN giảm chi phí vận hành, mở ra những mô hình kinh doanh mới, những thị trường mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời khai thác tối đa những tiện ích từ dữ liệu và công nghệ số để phục vụ tốt hơn cho người dân và DN. Do vậy, người dân là trung tâm của CĐS; chính sách và công nghệ là động lực; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; hợp tác là giải pháp quan trọng; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của DN và toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của CĐS”.

Nguồn Báo Đồng Tháp online