null Tám giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

CHINHQUYENSO Tin tức

Tám giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

Với trọng tâm năm 2023 là cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình có chất lượng, được người dân sử dụng nhiều, đại diện Bộ TT&TT đề nghị các địa phương lưu ý thực hiện 8 giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công online.

Một số dịch vụ công trực tuyến chưa tiện lợi với người dân

Theo chia sẻ của chị Thanh Hiền ở Hà Nội, hồi cuối tháng 12/2022 chị đã có một trải nghiệm không tốt khi đi làm lại hộ chiếu do sắp hết hạn. Chị đến phòng Xuất nhập cảnh của Công an Hà Nội tại số 6 Quang Trung, Hà Đông, do chưa quen dùng dịch vụ công trực tuyến, giao diện còn phức tạp và không nhận được sự hỗ trợ nên việc khai thông tin trên website của Cục Xuất nhập cảnh khá mất thời gian.

Yêu cầu nộp lại hộ chiếu cũ cũng không được chuyển đến ngay khi chị Thanh Hiền hoàn thành việc khai hồ sơ online, mà được thông báo trong mail xác nhận sau khi đã về nhà khiến người dân tiếp tục mất thêm thời gian quay lại phòng Xuất nhập cảnh.

“Theo quan sát của tôi, nhiều người lớn tuổi hoặc những người không thường xuyên tiếp xúc với công nghệ thì ngay việc quét mã QR cũng không biết, nhưng lại không có bàn hướng dẫn hay có người hỗ trợ. Vì thế, tôi cho rằng, bên cạnh việc bố trí nhân sự hỗ trợ, cần có video hướng dẫn chi tiết cách thức khai hồ sơ. Ngoài ra, trang web của Cục Xuất nhập cảnh nên được đơn giản hóa, tối ưu các danh mục lựa chọn để người dân dễ dùng”, chị Thanh Hiền đề xuất.

Ghi nhận của VietNamNet thời gian gần đây cho thấy, không ít người dân tại Hà Nội chán nản vì phải đợi lâu, không nhận được phản hồi sau khi đăng ký online trên trang dichvucong.gplx.gov.vn nên đã chọn đến trực tiếp xếp hàng tại bộ phận một cửa của Sở Giao thông vận tải để làm thủ tục xin cấp đổi giấy phép lái xe.

Cấp hộ chiếu và cấp đổi giấy phép lái xe chỉ là 2 trong rất nhiều dịch vụ công đang được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp trực tuyến mức độ cao cho người dân.

Báo cáo của Bộ TT&TT về tình hình thực hiện Nghị quyết 17 về xây dựng Chính phủ điện tử tháng 1/2023 cho hay, các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) theo hướng toàn trình cho người dân doanh nghiệp. Riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.377 dịch vụ; có hơn 4,3 triệu tài khoản đăng ký; hơn 1,1 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ.

Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT chỉ rõ, một số DVCTT chưa thực sự tiện lợi dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia thấp; đặc biệt là các dịch vụ công liên thông chưa hoàn thành, chưa đưa vào sử dụng trên toàn quốc, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.

Tạo kết quả đột phá về chất lượng dịch vụ công trực tuyến

Trong tham luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 25/2 phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đánh giá kết quả năm 2022 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, nhấn mạnh, DVCTT là chỉ số quan trọng nhất trong xếp hạng Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Liên Hợp Quốc.

Vì vậy, Việt Nam muốn nâng hạng quốc gia thì không có cách nào khác là phải có kết quả đột phá hơn nữa với chất lượng DVCTT và số lượng người dân sử dụng, hài lòng với DVCTT. Trọng tâm năm 2023 là cung cấp DVCTT toàn trình có chất lượng, được người dân sử dụng nhiều. 

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng thông tin về các chỉ tiêu cần đạt được với nhiệm vụ cung cấp DVCTT trong năm nay như: Trên 80% bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVCTT; 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT; 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên 50%.

Cùng với đó, hơn 50% người dân trưởng thành có tài khoản sử dụng DVCTT. 100% người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Nhấn mạnh Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng DVCTT, đại diện Bộ TT&TT đề nghị các địa phương quan tâm triển khai 8 giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ. Các giải pháp được đúc rút từ kinh nghiệm triển khai của những tỉnh, thành phố đang làm tốt như Đà Nẵng, TP.HCM, Hòa Bình, Hải Phòng, Bình Phước…

Cụ thể, những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả DVCTT mà các địa phương được khuyến nghị thực hiện gồm có: Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tới người đứng đầu từng Sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng DVCTT; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT; Hội đồng nhân dân hoặc UBND tỉnh ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT; UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy; chỉ đạo triển khai trợ lý ảo hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT và chỉ đạo Tổ công nghệ số cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dùng DVCTT.

“Sáng kiến khác mới, đặc thù năm 2023 rất mong được các địa phương giúp chia sẻ để chúng ta cùng tham khảo, học hỏi lẫn nhau”, đại diện Bộ TT&TT đề nghị.

Theo https://vietnamnet.vn/