null Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số

CHINHQUYENSO Tin tức

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số

Sáng ngày 25/02/2023, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đánh giá kết quả năm 2022 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Hình ảnh: Quang cảnh tại hội nghị trực tuyến

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số; Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh; thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo một  số sở, ngành.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số bền vững, thực chất, đồng bộ thì dữ liệu số là yếu tố quyết định. Do vậy, chủ đề của năm 2023-Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”,từ đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phát triển đất nước.

Tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả đạt được của năm 2022 và định hướng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, dự thảo Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ngoài kết quả đạt được, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu rõ những tồn tại hạn chế và các mô hình, giải pháp để nâng cao hiệu quả từ các địa phương.

Đến nay, công tác chuyển đổi số và triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” tiếp tục được đẩy mạnh tại các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc.

Trong đó, dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, toàn quốc đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông, đó là: đăng ký khai sinh-thường trú-cấp thẻ bảo hiển y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 58 địa phương, 4 doanh nghiệp nhà nước và đã cấp trên 78 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân…

Mục tiêu chuyển đổi số lớn nhất của tỉnh Đồng Tháp là đến năm 2025 nằm trong tốp 30 và đến năm 2030 nằm trong tốp 25 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh. Điều này đã được thể hiện trong Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Khoá XI về chuyển đổi số và Đề án Chuyển đổi số của UBND tỉnh Đồng Tháp.

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Đồng Tháp thực hiện chuyển đổi số dựa trên 03 trụ cột chính gồm: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số với 03 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu là Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục. Nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh cho nên chuyển đổi số sẽ góp phần phát triển kinh tế của tỉnh trong khi chuyển đổi số trong Y tế, Giáo dục sẽ giúp cho người dân người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ gần như ở khu vực đô thị, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau.

Đồng Tháp ứng dụng mạnh mẽ, tiên phong các công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, phương thức sống, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy tiềm năng về văn hoá, con người, kinh tế - xã hội địa phương, hướng đến phát triển Đồng Tháp thịnh vượng, ổn định và bền vững.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính- Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBQG biểu dương công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương trong toàn quốc. Đồng thời chỉ đạo, trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phải đi tắt đón đầu, đi trước về trước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức liên quan đến dữ liệu trong chuyển đổi số. Đặc biệt, tiếp tục triển khai Đề án 06 đến với toàn dân, góp phần cùng với Chính phủ thực hiện thành công công tác chuyển đổi số, đồng thời hòa nhập ngày càng cao với cộng đồng quốc tế. 

GEM